Giỏ hàng

(Tóm tắt sách) - Trí óc vận hành như thế nào? Cuốn sách tâm lý học đáng đọc nhất của Steven Pinker

Đăng bởi Kim Oanh ngày bình luận

Trí óc vận hành như thế nào của Steven Pinker, trình bày ý tưởng về cách trí óc con người phát triển và tạo ra những kỳ công mà chúng ta coi như chuyện thường ngày như nói chuyện, đi bộ và kết bạn.

Pinker là một nhà khoa học thần kinh nhận thức chuyên nghiên cứu vấn đề thụ đắc ngôn ngữ ở trẻ em. Ông tiếp cận vấn đề trí óc từ góc độ tâm lý và nhận thức, nhưng cũng lồng ghép kiến ​​thức chuyên môn từ khoa học máy tính, nhân chủng học, sinh học tiến hóa và triết học. Pinker đặc biệt dựa vào thuyết tư duy tính toán và thuyết tiến hóa để giải thích nguồn gốc và chức năng của trí óc. Cuốn sách đã lọt vào vòng chung kết của Giải thưởng Pulitzer và nhận được nhiều ý kiến đóng góp từ các nhà khoa học khác.

Chương 1: Thiết bị tiêu chuẩn

Con người thường có ảo tưởng rằng trí óc đến từ một sức mạnh thần thánh, một bản chất bí ẩn hay một nguồn gốc toàn năng. Tuy nhiên, sự thật lại không phải vậy. Trí óc không được thổi hồn bởi một đấng toàn năng hay một vị thần, mà giống máy móc-thiết bị, được thiết kế để giải quyết vô số vấn đề khác nhau mà tổ tiên chúng ta đã phải đối mặt. Vì vậy, trí óc cũng chứa đầy các hệ thống tinh vi, mỗi hệ thống đều cố gắng xoay sở để vượt qua trở ngại riêng của mình. Steven Pinker đưa ra cái nhìn sơ lược về nhiều khía cạnh của trí óc, từ thị giác, chuyển động đến lẽ thường, trí tuệ hay đạo đức dưới góc nhìn đa ngành của kỹ thuật, tâm lý học, xã hội học…

 

Chương 2: Những cỗ máy tư duy

Trí óc có hai câu hỏi cần giải đáp: “Điều gì khiến trí tuệ trở thành khả thể?” Và “Điều gì khiến ý thức trở thành khả thể?” Trong chương này, Steven Pinker bàn về khái niệm trí tuệ, cách để một robot, hoặc một bộ não có được trí tuệ và làm thế nào để bộ não của chính chúng ta có được nó. Kế đến, những điều chưa biết về ý thức của con người sẽ được hé lộ.

 

Chương 3: Sự trả thù của hội ngộ chữ

Trong chương này, Steven Pinker bàn về khía cạnh tiến hóa của trí óc. Trí óc, giống như vòi voi hay các bộ phận khác của các loài, cũng tiến hóa để thích nghi với môi trường sống. Trí óc là một cơ quan sinh học, là thứ mà chúng ta có được vì thiết kế của nó giúp tổ tiên của chúng ta sống sót tốt hơn. Để hiểu về trí óc, chúng ta cần biết rõ về cách thức, lý do, địa điểm và thời điểm của sự tiến hóa này.

 

Chương 4 Con mắt của trí óc

“Chúng ta là loài linh trưởng có thị giác rất phát triển và trí óc tiến hóa quanh giác quan vượt trội này.” Thị giác là một công cụ hữu hiệu có chức năng cung cấp các mô tả cho các năng lực của trí óc như ngôn ngữ, di chuyển, cầm nắm, lên kế hoạch, tưởng tượng, để vẽ được một bức tranh toàn cảnh về thế giới thực. Chương này khám phá xem thị giác biến những thông tin đầu vào thu được qua võng mạc thành các mô tả trong trí óc như thế nào và cùng bàn luận về từng khía cạnh cụ thể, từ những vệt sáng, các khái niệm về vật thể đến kiểu tương tác giữa quan sát và suy nghĩ (dựng ảnh trí óc – mental imaginery).

 

Chương 5 Các ý tưởng hay

Chương này bàn về khả năng lý luận, hay cách mà con người chúng ta giải thích về thế giới thực cũng như tạo ra các ý tưởng từ nguồn thông tin đầu vào thu nhận được. Steven Pinker áp dụng kỹ thuật đảo ngược (reverse-engineering) để nghiên cứu về khả năng lý luận, bắt đầu bằng việc phá giải nghịch lý của Wallace (nói về sự vô dụng hiển nhiên về mặt tiến hóa của trí tuệ) thông qua sự phân biệt giữa toán học-khoa học trực giác mà con người có từ khi chào đời và phiên bản hàn lâm khó nhằn của chúng. Kế đến, chúng ta sẽ khám phá cách thức hoạt động của trực giác, cũng như nguồn gốc và quá trình tinh chỉnh, chau chuốt nó để đạt được cấp độ văn minh như hiện nay.

 

Chương 6 Những cái đầu nóng

Cảm xúc là thứ phổ quát với mọi người. Có nhiều lập luận cho rằng cảm xúc mang đặc trưng văn hóa, nhưng những thứ mang tính đặc trưng lại là hành động hoặc hình ảnh mang lại cảm xúc chứ không phải bản thân cảm xúc. Mọi người có những cách thể hiện sự tức giận, buồn bã, hạnh phúc và ngạc nhiên rất giống nhau. Ngay cả trong các nền văn hóa vẫn còn biệt lập, chúng ta cũng thấy những sự biểu hiện cảm xúc tương tự và con người từ những nền văn hóa đó cũng nhận ra được cảm xúc từ những bức ảnh. Vì vậy, cảm xúc có thể là một phần cốt lõi của con người. Trong chương này, Steven Pinker bàn về các cảm xúc khác nhau như ghê tởm, tức giận, buồn bã… và cho rằng các cảm xúc này là động lực để chúng ta theo đuổi những mục tiêu cụ thể.

 

Chương 7 Những giá trị gia đình

Chương này bàn về các mối quan hệ xã hội dưới góc nhìn tâm lý, và đối tượng thảo luận là các động cơ bẩm sinh khiến chúng ta tạo dựng các mối quan hệ với người khác. Sự cạnh tranh giữa các gen để được di truyền lại cho các thế hệ tiếp theo chính là thứ thúc đẩy chọn lọc tự nhiên. Số lượng cá thể của các thế hệ tiếp theo được gia tăng thông qua sinh sản, nhưng ở một nơi hữu hạn như Trái đất, cơ hội sinh sản của các cá thể không giống nhau. Nói cách khác, khi một cá thể có được cơ hội sinh sản thì cơ hội đó có thể bị cướp đi từ một cá thể khác, nghĩa là mọi người ngày nay ra đời đều vì tổ tiên của mình đã chiến thắng trong các cuộc tranh giành cơ hội. Trong các cuộc cạnh tranh để giành lấy cơ hội hoàn thành nhiệm vụ tối thượng (sinh tồn & sinh sản), các mối quan hệ xã hội (cha mẹ-con cái, vợ-chồng, kẻ thù…) đã xuất hiện như các “chiến lược phù hợp”. Steven Pinker sẽ lần lượt xem xét các mối quan hệ này.

Chương 8 Ý nghĩa của cuộc sống

Cong người không chỉ sống bằng thức ăn, kiến thức, con cái hay tình dục mà cũng dành rất nhiều thời gian cho các hoạt động xem ra vô nghĩa đối với quá trình sinh tồn và sinh sản. Con người thường ca hát, nhảy múa, pha trò, ngâm thơ, trang trí nhà cửa hay thực hiện các nghi lễ. Các hoạt động nghệ thuật không chỉ giúp con người giải trí và tô điểm cho cuộc sống mà còn là công cụ để giới thượng lưu thể hiện sự sang trọng, giàu có hay sành sỏi. Trong chương này, Steven Pinker sẽ bàn về nghệ thuật dưới góc nhìn tâm lý học, lần lượt đi qua các chủ đề gần gũi như âm nhạc, hội họa, văn chương…

TÁC GIẢ:

Steven Pinker là một nhà tâm lý học thực nghiệm nghiên cứu về nhận thức thị giác, ngôn ngữ học tâm lý và các mối quan hệ xã hội. Ông là thành viên được bầu chọn của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ, người từng hai lần lọt vào chung kết Giải thưởng Pulitzer, nhà nhân văn của năm và đã nhận chín bằng tiến sĩ danh dự. Ông cũng nằm trong danh sách “100 trí thức nổi danh hàng đầu thế giới” của Foreign Policy và “100 người có tầm ảnh hưởng nhất thế giới hiện đại” của Times. Pinker thường xuyên viết bài cho New York Times, Guardian và nhiều ấn phẩm khác.

LINK ĐẶT MUA SẢN PHẨM TẠI ĐÂY

 

Theo Duy Anh – BTV ETS


Cũ hơn Mới hơn

messenger