Giỏ hàng

Những sự kiện công nghệ ấn tượng của Việt Nam năm 2020

Đăng bởi CÔNG TY CỔ PHẦN XUẤT BẢN VÀ DỮ LIỆU ETS ngày bình luận

Với tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, công nghệ đóng vai trò to lớn trong sự phát triển kinh tế. Mang hoài bão phát triển kinh tế thông qua việc ứng dụng công nghệ vào đổi mới sáng tạo, Việt Nam chắc chắn sẽ vượt qua những thử thách, tiếp tục hành trình 30 năm phát triển vượt bậc để trở thành một trong những quốc gia năng động nhất ở khu vực Đông Á. Nhân kỷ niệm ngày KHCN Việt Nam 18/5 tới đây, cùng ETS điểm danh những sự kiện công nghệ nổi bật nhất năm vừa rồi nhé:

1. Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia

Ngày 3-6-2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký Quyết định số 749 phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” với tầm nhìn đến năm 2030 Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp.

2. Xây dựng thành công công nghệ điều khiển bay và thu hồi khí cầu tầng bình lưu

Đề tài VT-CN.04/17-20 thuộc Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia về công nghệ vũ trụ giai đoạn 2016 - 2020 “Nghiên cứu tiếp cận công nghệ sử dụng khinh khí cầu thả ở tầng bình lưu tích hợp công nghệ trạm thu phát thông tin để giám sát, dẫn đường, tìm kiếm cứu hộ và đo đạc thông số vật lý môi trường tầng khí quyển” do PGS, TS Phạm Hồng Quang - Trung tâm Tin học và Tính toán thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam chủ trì. Sau 3 năm nghiên cứu và thử nghiệm, các nhà khoa học có khả năng triển khai mạng lưới Internet vạn vật (IoT) rộng khắp với giá thành rẻ phục vụ các mục tiêu cứu hộ cứu nạn trên biển và núi rừng, giám sát hành trình tàu cá xa bờ, thu thập thông tin lũ quét, sạt lở đất, cháy rừng, dẫn đường thông tin liên lạc cho các tàu đánh cá mà không cần các thiết bị truyền dẫn thông qua vệ tinh đắt tiền và đòi hỏi năng lượng lớn.

Ba loại hệ thống khinh khí cầu thả ở tầng bình lưu. Ảnh: VAST.

3. Viettel thực hiện cuộc gọi 5G đầu tiên trên thiết bị tự sản xuất

Ngày 17-1-2020, với sự chứng kiến của Bộ trưởng Thông tin – Truyền thông và Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ, Tập đoàn Viettel đã thực hiện cuộc gọi video đầu tiên sử dụng đường truyền dẫn dữ liệu kết nối 5G trên thiết bị thu phát sóng NodeB do Viettel nghiên cứu và sản xuất, bao gồm cả thiết bị phần cứng và phần mềm. Sau tám tháng kể từ ngày Viettel - nhà mạng đầu tiên của Việt Nam, top 50 nhà mạng trên thế giới thực hiện cuộc gọi 5G đầu tiên bằng thiết bị nhập khẩu của đối tác vào tháng 5-2019, Việt Nam đã chính thức làm chủ công nghệ mạng 5G. Hiện nay, trên thế giới có năm công ty đã sản xuất thành công các thiết bị mạng cho 5G bao gồm: Ericsson, Nokia, Huawei, Samsung và ZTE. Viettel sẽ là nhà cung cấp thứ 6 trên thế giới sản xuất thiết bị này. Trong số các nhà cung cấp kể trên, chỉ có duy nhất Viettel vừa là nhà khai thác viễn thông, vừa có khả năng sản xuất các thiết bị mạng.

Thực hiện thành công cuộc gọi 5G đầu tiên tại Việt Nam. 

4. Ứng dụng Bluezone được triển khai rộng rãi

Ngày 18-4-2020, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Y tế tổ chức lễ khai trương nền tảng ứng dụng Bluezone bảo vệ cộng đồng, phòng chống dịch Covid-19. Đây là giải pháp ứng dụng công nghệ định vị Bluetooth năng lượng thấp BLE (Bluetooth low energy). Ứng dụng Bluezone ra mắt là sự tập hợp trí tuệ từ nhiều nhóm phát triển của các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam gồm: Memozone, VNPT, MobiFone và Bkav. Trong đó Bkav là đơn vị chủ trì vận hành hệ thống này. Đến giữa tháng 11-2020, đã có hơn 23 triệu người Việt Nam cài đặt và sử dụng Bluezone.

 


Cũ hơn Mới hơn

messenger