Giỏ hàng

Chẩn trị COVID-19 bằng Đông-Tây Y: Phụ lục 4

Đăng bởi CÔNG TY CỔ PHẦN XUẤT BẢN VÀ DỮ LIỆU ETS ngày bình luận

Thiên Tân nhật báo: Cùng nghe Trương Bá Lễ giải thích tại sao Vũ Hán “nhất định phải kiên trì thêm một tháng nữa”.

 

Sau khi xuất hiện dịch bệnh COVID-19, thành viên tổ chuyên gia nhóm chỉ đạo trung ương, viện sĩ hàn lâm của Viện Kỹ thuật Trung Quốc – Trương Bá Lễ – đã cùng nhóm chỉ đạo trung ương đến Vũ Hán. Trong hơn một tháng này, vị học giả ngoài 70 tuổi đã không màng nguy hiểm mà dấn thân vào các bệnh viện và nhiều phường xã để hội chẩn cho bệnh nhân, điều tra dịch bệnh, đặt kế hoạch xây dựng bệnh viện dã chiến, điều chỉnh phương thuốc, chỉ đạo và dẫn dắt đoàn nhân viên y tế Đông y. Toàn bộ quá trình đã thúc đẩy mạnh mẽ nền Trung y dược phát huy tác dụng rõ rệt trong việc cứu chữa COVID-19. Ngày 28/02, đoàn phóng viên của trung tâm truyền thông Hải Hà đã đến bệnh viện Hiệp Hòa ở Vũ Hán, tiến hành cuộc phỏng vấn riêng với viện sĩ Trương Bá Lễ. Mục tiêu nhằm hồi đáp sự quan tâm của công chúng về các vấn đề như tình hình phát triển dịch bệnh tại Vũ Hán, tác dụng của Đông y trong cuộc chiến với dịch bệnh lần này, hoàn thiện chế độ đối phó với các sự kiện đột phát (như các bệnh truyền nhiễm) và xây dựng hệ thống ứng phó nhu cầu bức thiết.

Phóng viên: Mọi người hiện nay đều quan tâm đến sự xuất hiện của “điểm cong”. Ngày 27/02, viện sĩ Chung Nam Sơn đã bày tỏ rằng, ông có niềm tin rằng đến cuối tháng 4 sẽ cơ bản khống chế được dịch bệnh. Ông có nhận xét gì?

Viện sĩ Trương Bá Lễ: Về cơ bản tôi đồng ý với quan điểm của Chung tiên sinh, tuy nhiên tôi có lạc quan hơn một chút. Đến cuối tháng 4, ngoài tỉnh Hồ Bắc, tôi nghĩ các tỉnh thành khác trong nước đều có thể cởi bỏ khẩu trang và khôi phục lại trật tự thường ngày. Nhưng, muốn giải quyết triệt để dịch bệnh ở Vũ Hán, chúng ta cần thêm một chút thời gian. Tôi ước tính đến cuối tháng 3, tình hình của Vũ Hán mới có thể sáng sủa hơn được. Nhất định phải cố gắng thêm một tháng nữa, vì hiện nay Vũ Hán chỉ vừa mới phân loại được “4 nhóm người” (người bị sốt, người tiếp xúc gần với bệnh nhân, người nghi ngờ nhiễm bệnh, người cần nằm viện theo dõi). Tuy nhiên, vẫn còn một vài vấn đề tồn dư cần từ từ giải quyết. Bệnh nhân thể nhẹ tại bệnh viện dã chiến còn đến hơn 7.000 người, nhưng tình hình tương đối tốt. Hiện nay phải chú trọng vào việc điều trị cho bệnh nhân thể nặng và thể trầm trọng, và cũng phải đến cuối tháng 3 tình hình mới được cải thiện. Nếu nói một cách lạc quan, Vũ Hán thậm chí còn có thể cố gắng để bắt kịp với cả nước (về thời gian gỡ bỏ phong tỏa thành phố).

Phóng viên: Từ tình hình phòng chống dịch hiện nay, đối với người dân Vũ Hán, ông có hy vọng gì?

Viện sĩ Trương Bá Lễ: Vũ Hán đã chiến đấu với dịch bệnh được hơn hai tháng, từ quần chúng nhân dân đến nhân viên y tế và công chức các cấp đều đã có những cống hiến và hy sinh rất lớn. Hiện nay chúng ta đã có một chút hy vọng, do đó nhất định phải kiên trì thêm một chút nữa! Kiên trì thêm một tháng nữa! Chung Nam Sơn tiên sinh đã nói, Vũ Hán là một thành phố anh hùng, tôi cũng nghĩ vậy. Khi chiến thắng cuộc chiến này, chúng ta sẽ tổng kết được rất nhiều kinh nghiệm cho quốc gia, bao gồm cả những vấn đề như quản lý vệ sinh dịch tễ hay hệ thống ứng phó nhu cầu cấp thiết. Thực ra những điều này vốn đã ngầm tồn tại từ lâu và thông qua dịch bệnh ở Vũ Hán mới được bộc lộ rõ ràng hơn. Do đó, chúng ta nên cảm ơn những cống hiến và hy sinh của người dân Vũ Hán. Sau khi gặp khó khăn nhất định sẽ có sự phát triển!

Phóng viên: Sau khi đến Vũ Hán ông đã triển khai những công việc gì?

Viện sĩ Trương Bá Lễ: Tôi đến Vũ Hán cùng nhóm chỉ đạo trung ương vào ngày 27/01 (mùng 3 Tết). Khi đó tình hình nơi đây vô cùng nghiêm trọng và phức tạp. Nó có thể được tổng kết bằng 3 từ  – rất hỗn loạn. Bệnh nhân lẫn lộn trong những người không mắc bệnh. Người bị sốt, người cần nằm viện theo dõi, người có tiếp xúc gần với bệnh nhân, người nghi ngờ mắc bệnh, 4 nhóm người này đáng lẽ phải được cách ly nhưng hoàn toàn không. Ở đây cũng không có điều kiện cơ sở vật chất để cách ly, những ca bệnh chẩn đoán xác định không thể nhập viện, tình hình phòng chống vô cùng nguy ngập. Trong cuộc họp tối ngày 27/01, tôi đã nêu ý kiến rằng, phải dựa vào tình hình của bệnh nhân mà quản lý theo tầng theo lớp, tiến hành cách ly tập trung, sử dụng thuốc Đông y rộng rãi đối với người được cách ly. Nhóm chỉ đạo trung ương đã tiếp nhận ý kiến này, quyết đoán tách ra “4 nhóm người”. Ban đầu chúng tôi hy vọng có thể tận dụng các nhà nghỉ và khách sạn để cách ly người bệnh, tuy nhiên vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Khi đó không tìm thấy bất kỳ khách sạn và nhân viên phục vụ nào. Sau đó, chúng tôi tận dụng các trường học để cách ly. Hằng ngày hàng vạn toa thuốc Đông y đã được chuyển đến các khu cách ly, tính đến nay đã chuyển được hơn 20 vạn toa thuốc. Nhóm chỉ đạo trung ương đã tiếp nhận ý kiến xây dựng bệnh viện dã chiến mà các chuyên gia đưa ra, điều trị tập trung cho các ca bệnh thể nhẹ, còn các bệnh viện chỉ định điều trị cho ca bệnh thể nặng. Tôi tiếp tục đưa ra ý kiến rằng nên đưa Đông y vào điều trị trong bệnh viện dã chiến, đồng thời có thể để đoàn nhân viên y tế Đông y phụ trách bệnh viện dã chiến. Đây chính là khởi đầu của bệnh viện dã chiến Giang Hạ sau này. Hiện nay, các bệnh viện dã chiến đều đã sử dụng thuốc Đông y rộng rãi. Giờ mới thấy, đây là quyết sách đúng đắn của nhóm chỉ đạo trung ương trong thời khắc quyết định. Cách ly tuyệt đối, phân chia rõ ràng thể nhẹ và thể nặng đồng thời điều trị riêng biệt từng thể bệnh. Tình hình mặc dù nghiêm trọng, nhưng đang dần tiến triển ổn định. Chúng tôi nêu ra ý kiến để Đông y tiếp quản bệnh viện dã chiến, nhóm chỉ đạo trung ương đã đồng ý và gấp rút điều chuyển đoàn cán bộ y tế Đông y đến hỗ trợ cho Vũ Hán. Bệnh viện dã chiến Giang Hạ đã được đặt kế hoạch xây dựng bởi 209 vị chuyên gia Đông y đến từ Thiên Tân, Giang Tô, Hà Nam, Hồ Bắc và Thiểm Tây.

Phóng viên: Đối với các bệnh nhân thể nặng, thuốc Đông y đã phát huy những tác dụng gì?

Viện sĩ Trương Bá Lễ: Tôi luôn nói rằng, đối với bệnh nhân thể nặng nhất định cần phải có sự kết hợp của Đông y và Tây y, trong đó lấy Tây y làm chủ đạo. Điều trị hỗ trợ hô hấp, hỗ trợ tuần hoàn, hỗ trợ sinh mạng rất quan trọng đối với bệnh nhân thể nặng và thể trầm trọng. Những phương pháp này bắt buộc phải sử dụng. Đông y có tác dụng hỗ trợ, tuy nhiên cũng có lúc đóng vai trò quan trọng. Nếu bệnh nhân có chỉ số oxy máu thấp, nồng độ bão hòa oxy dao động, cần cho bệnh nhân sử dụng độc tham thang và truyền tĩnh mạch thuốc Shengmai, Shenmai. Chỉ sau 1-2 ngày, nồng độ oxy bão hòa của bệnh nhân sẽ ổn định, thêm 1-2 ngày nữa chỉ số oxy máu của bệnh nhân sẽ tăng lên, đã có rất nhiều ca bệnh như vậy. Một số bệnh nhân suy giảm ổ bệnh tại phổi chậm, sử dụng thuốc kháng sinh kết hợp thuốc Reduning, Tanreqing có thể tạo nên hiệu ứng cộng hưởng. Đã có rất nhiều bệnh nhân được điều trị khỏi bằng phương pháp trên. Hiện nay không chỉ tất cả các bệnh viện dã chiến đều điều trị bằng Đông-Tây y kết hợp, mà các bệnh nhân thể nặng ở các bệnh viện như bệnh viện Kim Ngân Đàm, bệnh viện phổi Vũ Hán, bệnh viện Hiệp Hòa cũng đã được hội chẩn kết hợp giữa Đông y và Tây y. Hiện nay ở Vũ Hán, tỷ lệ sử dụng thuốc Đông y đã tăng từ 30% hồi đầu tháng 2 lên tới hơn 80%. Đối với những bệnh nhân có bệnh tình nghiêm trọng cần phải quyết đoán và kịp thời sử dụng các loại thuốc tiêm truyền Đông y. Hiện nay có một vài bác sĩ Tây y nói rằng thuốc tiêm truyền của Đông y không an toàn, đây là một sự hiểu nhầm. Những loại thuốc tiêm truyền được tiến cử bởi Cục quản lý Trung y dược quốc gia Trung Quốc, đều đã có mặt trên thị trường nhiều năm nay và được thông qua các đánh giá. Chất lượng và độ an toàn đều được đảm bảo, hiệu quả lâm sàng cũng đã được chứng minh qua thử nghiệm. Mạnh dạn dùng thuốc trong giai đoạn đầu, thường thường sẽ phát huy được tác dụng, xoay chuyển tình thế.

Phóng viên: Liệu có thể nói rằng Tây y là chủ công, còn Đông y chỉ là trợ công?

Viện sĩ Trương Bá Lễ: Tôi cảm thấy nên nói rằng cả Đông y và Tây y đều quan trọng, Đông-Tây y kết hợp là tốt nhất. Đông y và Tây y đều phát huy tác dụng của bản thân, rất khó để phân chính phụ. Anh nói xem, khi đang duy trì hô hấp của bệnh nhân thể nặng bằng Tây y, nếu không duy trì việc thở oxy thì bệnh nhân có thể mất mạng rồi. Muốn duy trì việc thở oxy, nhưng nồng độ bão hòa oxy mãi vẫn không ổn định, lúc này chỉ cần sử dụng 1-2 toa thuốc Đông y là sẽ ổn định ngay, thêm 1-2 ngày nữa chỉ số oxy máu cũng tăng lên. Anh có thể phân rõ cái nào có tác dụng chính, cái nào có tác dụng phụ hay không? Giữ được tính mạng của bệnh nhân mới là điều quan trọng.

Phóng viên: Với tư cách là thành viên tổ chuyên gia nhóm chỉ đạo trung ương, qua lần dịch bệnh này, ông cho rằng nên rút ra những bài học gì đối với sự kiện dịch tễ đột phát lần này?

Viện sĩ Trương Bá Lễ: Là đại biểu quốc hội toàn quốc, tôi đang chuẩn bị đề xuất ý kiến về vấn đề này. Trước đây tôi đưa ra kiến nghị của mình và đã được tiếp nhận, chính là thay đổi phương pháp bảo vệ các loài động vật hoang dã, ngăn chặn tận gốc toàn bộ hoạt động mua bán thịt động vật hoang dã trên thị trường, nghiêm cấm ăn thịt động vật hoang dã sống trên mặt đất. Đồng thời, tôi còn có dự định tiến hành chỉnh sửa “Pháp luật về phòng chống và điều trị bệnh truyền nhiễm nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa” hiện có. Lần dịch bệnh này đã phơi bày một vấn đề rất quan trọng, đó là ai sẽ là người báo cáo khi dịch bệnh xuất hiện? Báo cáo cho ai? Ai là người quyết định biện pháp ứng phó? Chế độ hiện nay không được thuận lợi, phải báo cáo từng tầng từng lớp, qua phê chuẩn và dần mờ nhạt, đến được trung ương thì đã suy giảm biến chất rồi. Cho nên, đối với dịch bệnh lần này, nên báo cáo trực tiếp cho trung ương, do trung ương trực tiếp quyết định biện pháp ứng phó nhằm chạy đua với thời gian. Nếu như có thể đưa ra quyết sách ngay từ khi dịch bệnh mới bắt đầu, tình hình đã tốt hơn rất nhiều. Hiện nay nhìn lại, vào cuối tháng 12/2019 khi COVID-19 mới xuất hiện, hiện tượng lây nhiễm giữa người với người đã rất rõ ràng. Nhân viên y tế bị nhiễm bệnh không phải chỉ có một người, mà là rất nhiều người. Các vấn đề như xét nghiệm tập trung cho các cơ quan và số lượng bộ kit xét nghiệm quá ít làm lỡ dở việc chẩn đoán, thiếu thốn cơ sở vật chất phòng chống dịch bệnh… đều cần phải cải thiện.

Phóng viên: Sau khi dịch bệnh bùng phát ở Vũ Hán, hệ thống khống chế dịch bệnh và thông tin ứng phó, xử trí nhu cầu cấp thiết đã bộc lộ những nhược điểm gì?

Viện sĩ Trương Bá Lễ: Nhược điểm lớn nhất là năng lực xử lý vấn đề cấp bách còn thiếu sót, đặc biệt là thiếu năng lực phòng bị các vấn đề y tế công cộng. Việc có tuyến cơ sở đủ mạnh là hết sức cần thiết! Nhiều người cứ có biểu hiện sốt sẽ đến các bệnh viện lớn, nếu như phương tiện thiết bị vệ sinh y tế của tuyến cơ sở tốt, phát huy được tác dụng “cản trở và can thiệp” thì dịch bệnh có thể được khống chế ngay từ giai đoạn đầu. Tổng thư ký Tập Cận Bình trong cuộc họp về công tác thúc đẩy việc phòng chống dịch COVID-19 và phát triển kinh tế xã hội cũng đã nhấn mạnh rằng, cần phải cải cách và hoàn thiện hệ thống khống chế dự phòng bệnh tật; cải cách và hoàn thiện hệ thống điều trị cũng như phòng chống dịch bệnh; kiện toàn hệ thống bảo đảm cơ sở vật chất ứng phó nhu cầu cấp thiết thống nhất trên toàn quốc. Tôi nghĩ rằng đây là điều nhất định phải làm, phải có quyết sách chính xác và chu đáo cho tuyến cơ sở, nhân-tài-vật đều cần phải có đầy đủ. Chính là để đề phòng những sự việc tương tự xảy ra sau này sẽ không hỗn loạn như Vũ Hán thời gian đầu.

Phóng viên: Rất nhiều nhân viên y tế đã bị nhiễm bệnh, kết quả hồi phục của họ như thế nào?

Viện sĩ Trương Bá Lễ: Tất cả nhân viên y tế tuyến đầu đều là những người anh hùng đáng để chúng ta kính phục. Trong giai đoạn đầu, do chưa có đầy đủ sự hiểu biết về loại virus này, các biện pháp phòng bị còn chưa theo kịp, khiến rất nhiều nhân viên y tế bị nhiễm bệnh, chúng tôi vô cùng đau lòng về điều này. Vào sáng ngày 28/01, Viện Kỹ thuật Trung Quốc đã giao cho tôi một nhiệm vụ rất quan trọng, đó là phải lập nên một nền tảng quản lý sức khỏe cho các nhân viên y tế bị nhiễm bệnh ở Hồ Bắc. Trong vòng 2-3 năm tới, phải theo dõi tình trạng sức khỏe của họ, dùng các phương pháp can thiệp kết hợp Đông y và Tây y, giúp cho họ hồi phục sức khỏe tốt hơn. Chúng tôi cùng với bệnh viện Hiệp Hòa, bệnh viện Đông y Vũ Hán đã bàn bạc và cùng nhau đảm nhận công việc rất có ý nghĩa này, tôi hy vọng có thể cung cấp sự giúp đỡ cần thiết cho các nhân viên y tế bị nhiễm bệnh, nhằm đền đáp công lao và sự hy sinh của họ.


Cũ hơn Mới hơn

messenger